Skip to main content

Thu nhập cao từ mô hình “ươm giống rau màu trong nhà lưới”

Với tinh thần chịu khó học hỏi và sự nỗ lực của bản thân, nông dân Trần Văn Thành, ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới đã xây dựng cho mình một lượng kiến thức nhất định và kinh nghiệm quý báu, chủ động ứng dụng công nghệ mới thực hiện mô hình “ươm giống rau màu trong nhà lưới” mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

 Với thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề ươm giống cây con. Năm 2020, từ 2 công đất gần nhà, anh quyết định chuyển sang thực hiện mô hình “ươm giống rau màu trong nhà lưới” 6 công tại đường nối 2 khu dân cư ấp Mỹ Hội – Mỹ Hòa thuộc địa phận ấp Mỹ Thuận. Năm 2022, sau khi địa phương giới thiệu anh đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình này ở Đà Lạt (Lâm Đồng) do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức, anh Thành đã mạnh dạn thuê thêm đất mở rộng quy mô diện tích gần 11 công và đầu tư cơ sở vật chất với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Nói về khó khăn ban đầu, anh Thành cho biết:

File anh Thanh1  “Lúc trước chưa thực hiện mô hình này, làm bấp bênh vì cây giống ươm lên không đều, sản phẩm làm ra không đạt theo yêu cầu. Từ khi học tập kinh nghiệm mô hình này ở Đà Lạt (Lâm Đồng) nên sản phẩm giống đạt hơn.”

 Hiện khu nhà lưới của anh ươm nhiều loại giống rau, màu khác nhau như cải, cà, ớt... Tùy loại giống mà thời gian ươm và sinh trưởng khác nhau, có loại 20 ngày, 30 ngày... Giá bán dao động từ 140 – 300 đồng/1 cây giống. Theo đơn đặt hàng của khách, trung bình anh Thành cung cấp khoảng 30.000 – 40.000 cây giống/ngày, bán ra thị trường ở huyện, thị, thành trong tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Vĩnh Long...

Để tạo sản phẩm chất lượng bán ra thị trường, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: bỏ hạt, cấy ghép giống, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc chồi, lá.... Từ khi chuyển sang mô hình này đến nay, cuộc sống gia đình rất ổn định, nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Hàng năm, trừ tất cả chi phí, thu nhập trên 300 triệu đồng. Anh Thành chia sẻ:

File anh Thanh2: “Hiệu quả từ mô hình này là con giống đem ra cho nông dân trồng đạt hơn so với trồng dưới đất, không mất sức sống cây, hạn chế cây bị chết. Thu nhập ổn định so với lúc trước. Qua đây, cũng tạo công ăn việc làm cho hơn 10 mấy người ở địa phương. Trung bình 1 ngày lao động dao động từ 180- 300 ngàn đồng/ngày.”

 Chăm chú thực hiện công việc với bàn tay điêu luyện, chị Trần Thị Tố Nhi, người thực hiện khâu bỏ hạt giống tại nhà lưới rất hài lòng với công việc hiện tại. Chị  Nhi tâm sự:

File To Nhi: “Từ khi chú Thành xây dựng là em đã làm 1 năm. Hàng ngày thu nhập nhập cũng khoảng 250 ngàn đồng. Kinh tế ổn định, trang trải trong gia đình, thu nhập cũng ổn định và ngày nào cũng làm.”

Thời gian tới, anh Thành sẽ tiếp tục học hỏi, lắng nghe những góp ý của các thành viên trong tổ hợp tác và một số bà con nông dân lân cận để cùng nhau sản xuất ra các giống cây chất lượng, chống chịu thời tiết tốt, đạt hiệu quả, năng suất cao. Đồng thời, mở rộng thêm mô hình ở địa phương.

Ông Đinh Hoài Lam –Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới thông tin:

File ong Lam: “Mô hình ươm giống trong nhà lưới của anh Thành thực hiện rất hiệu quả, giải quyết việc làm cho bà con lao động ở địa phương. Về phía cấp Hội, cũng đề nghị cấp huyện hỗ trợ mô hình nhà lưới cho anh Thành. Hướng tới, Hội Nông dân xã sẽ vận động thành lập Chi tổ hội nghề nghiệp để nông dân có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời, đề nghị huyện hỗ trợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để tạo công ăn việc làm và nhân rộng mô hình này ở địa phương.” 

Có thể nói, mô hình “ươm giống rau màu trong nhà lưới” của anh Thành bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế của địa phương. Đây là một trong những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình vượt khó, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã./.

Minh Kỵ - Hải Đăng (Trung tâm VHTT-TT huyện Chợ Mới)